Ca dao Bình Định

Trang 1 trên 212»
Ca dao Việt Nam - Ai biểu thương mà anh không nói...

Ai biểu thương mà anh không nói
Đến bây giờ còn trách lỗi cho nhau
Hai nhà có cách xa đâu
An Vinh, An Thái còn câu hẹn hò
Dòng sông chung một con đò
Sao anh tiếc của chẳng đưa đồ hỏi xin.

 101 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Ai qua Bình Định đang trưa...

Ai qua Bình Định đang trưa,
Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan.
Ai về ăn ổi Đình Quang,
Ăn ớt Vĩnh Thạnh, ăn măng Truông Dài.

 151 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Ai về Bình Định mà coi...

Ai về Bình Định mà coi,
Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền.

 191 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Ai về Bình Định mà nghe...

Ai về Bình Định mà nghe,
Nói thơ chàng Lía, hát vè Quảng Nam.

 163 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - An Hành năm bữa một phiên...

An Hành năm bữa một phiên,
Gặp cô bán bún nên duyên vợ chồng.

 41 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - An Khê nổi tiếng Hòn Bình...

An Khê nổi tiếng Hòn Bình,
Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này.

 51 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - An Nhơn có núi Mò O...

An Nhơnnúi Mò O,
Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi.

 36 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - An Nhơn thắng cảnh nhiều nơi...

An Nhơn thắng cảnh nhiều nơi,
Có chùa Ông Đá nơi này Phương Danh.
Nhạn về Cân, Cỏ nhạn ơi,
Nhạn nhớ lấy lời chim yến Phương Mai.

 55 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Bình Định chi lâu...

Anh về Bình Định chi lâu,
Bỏ em kéo vải, hát dâu một mình!

 35 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Bình Định chi lâu...

Anh về Bình Định chi lâu,
Chiều chiều em đứng vườn dâu ngó chừng.
Hai hàng nước mắt rưng rưng,
Chàng xa, thiếp cách, giậm chân kêu trời!

 30 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Bình Định thăm cha...

Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hoà thăm em.

 120 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Bình Định thăm nhà...

Anh về Bình Định thăm nhà,
Tháng hai trở lại tháng ba cưới nàng.
Cưới nàng đôi nón Gò Găng,
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn.

 44 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông...

Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông,
No cơm, ấm chiếu luông tuồng bỏ em.

 42 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Đập Đá đưa đò...

Anh về Đập Đá đưa đò,
Trước đưa quan khách, sau dò ý em.

 45 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Ðập Ðá quê cha...

Anh về Ðập Ðá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê nàng.

 21 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Đập Đá, Gò Găng...

Anh về Đập Đá, Gò Găng,
Cùng em kéo sợi dưới trăng chung tình.

 16 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Anh về Đập Đá, Gò Găng...

Anh về Đập Đá, Gò Găng,
Để em kéo vải sáng trăng một mình.

 34 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Bằng lăng gỗ tốt dễ cưa...

Bằng lăng gỗ tốt dễ cưa,
So tài lương đống còn thua kiền kiền.

 95 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Bao giờ rừng An Lão hết cây...

Bao giờ rừng An Lão hết cây
Sông Lại Giang hết nước em đây mới hết tình.

 36 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Bên kia sông, quê anh An Thái...

Bên kia sông, quê anh An Thái
Bên này sông, quê gái An Vinh
Thương nhau chung dạ chung tình
Cầu cha mẹ ưng thuận hai đứa mình kết hôn.

 31 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi...

Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi,
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao.

 20 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi...

Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi,
Vật vô tri còn thế, huống chi tôi với nàng.

 16 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn...

Chàng đi đường dẫu gặp khó khăn,
Cũng sao ghé lại Gò Găng quê mình.
Vào đây em tặng nón chung tình,
Hình chàng bóng thiếp in hình đôi ta.

 20 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Chiều chiều ra đứng núi Bà...

Chiều chiều ra đứng núi Bà,
Núi Bà thì đó, còn nhà em đâu?
Em về Phù Mỹ chi lâu,
Để anh ra đứng bờ dâu ngó chừng.

 19 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Chừng nào núi Bụt hết cây...

Chừng nào núi Bụt hết cây,
Lại Giang hết nước, dạ này hết thương.

 11 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Cơm hai bát, bát ăn bát để...

Cơm hai bát, bát ăn bát để,
Nước hai bình, bình uống bình mang.
Anh đưa em về chốn Lại Giang,
Lui chân trở lại, nước mắt tràn như mưa.

 10 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Côn Giang cá chép mép son...

Côn Giang cá chép mép son,
Lại Giang cá bống trắng non vóc ngà.

 21 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Công đâu công uổng công thừa...

Công đâu công uổng công thừa,
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan.
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa.

 173 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Dây lưng bốn mối phủ phê...

Dây lưng bốn mối phủ phê,
Nón Gò Găng chạm chữ thả rê đi các làng.

 29 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Đồn rằng An Thái Chùa Bà...

Đồn rằng An Thái Chùa Bà,
Làm chay hát bội đông đà quá đông.
Đàn bà cho chí đàn ông,
Xem xong ba ngọ lại trông đổ giàn.

 43 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Đường lên An Lão cheo leo...

Đường lên An Lão cheo leo,
Thương em anh mới băng đèo tới đây.

 29 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Em về Bồ Địch, Giếng Vuông...

Em về Bồ Địch, Giếng Vuông,
Sáo treo bốn bức, em buồn nỗi chi.

 32 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Em về Đập Đá quê cha...

Em về Đập Đá quê cha,
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng.

 19 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Em về Đập Đá, Gò Găng...

Em về Đập Đá, Gò Găng,
Không về Phù Mỹ sợ ăn củ mì.

 19 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa...

Gái Phú Phong ngồi trong dệt lụa,
Gái Cây Dừa cấy lúa quanh năm.

 22 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Gái Phú Yên một tiền ba đứa...

Gái Phú Yên một tiền ba đứa,
Gái Bình Định quá lứa theo không.

 13 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Gặp chàng đây thiếp xin hỏi một câu...

Gặp chàng đây thiếp xin hỏi một câu,
An Thái hai mươi bốn xã, mấy cái cầu chàng ơi!
An Thái hai mươi bốn xã, bảy cái cầu,
Cầu phú, cầu quý, cầu lộc, cầu vinh, cầu hiển.
Cầu cho cha mẹ bình yên,
Cầu cho ta bạn kết nguyền phu thê.

 21 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Gió Phú Đa gió qua Đập Đá...

Gió Phú Đa gió qua Đập Đá,
Anh luyến tiếc gì mà nấn ná chửa đi.

 23 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Giữa đường không tiện nói năng...

Giữa đường không tiện nói năng,
Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tỏ tình.
Gò Găng có chợ có đình,
Người quen thấy mặt Thần Linh chứng lời.

 13 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Gò Găng có nón chung tình...

Gò Găng có nón chung tình,
Ở đây có thiếp một dạ với mình, mình ơi.

 18 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Hòn Ông đứng trong Hòn Bà...

Hòn Ông đứng trong Hòn Bà,
Chồng cao, vợ thấp đôi đà xứng đôi.

 81 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Hòn Sung không thấp không cao...

Hòn Sung không thấp không cao,
Đã từng là chốn anh hào lập thân.
Kìa ai áo vải cứu dân,
Kìa ai ba thước gươm trần chống Tây.
Chuyện đời thành bại, rủi may,
Hòn Sung cây trải, đá xây bao sờn.

 5 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Hòn Sung tuy thấp mà cao...

Hòn Sung tuy thấp mà cao,
Trời cho làm chốn anh hào lập thân.
Kìa ai áo vải cứu dân,
Kìa ai ba thước gươm trần chống Tây.
Truyện đời rủi rủi, may may,
Hòn Sung cây trải, đá xây bao sờn.

 7 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Lụa đậu ba An Ngãi...

Lụa đậu ba An Ngãi,
Xoài tượng chín Hưng Long.
Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông,
Chiếu che bốn vách còn buồn nỗi chi.

 23 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ...

Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ,
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương.
Áo hồng, quần tía vấn vương,
Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì.

 16 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Mây chiều quấn quýt hòn Dinh...

Mây chiều quấn quýt hòn Dinh,
Nhớ Tăng tổng trấn hết tình cứu dân.
Non sông chưa sạch bụi trần,
Nắng mưa bao quản tấm thân quê người.
Tre tàn còn có măng tươi,
Gương xưa còn tỏ còn người noi gương.

 98 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Muốn ăn bánh đúc chợ Ân...

Muốn ăn bánh đúc chợ Ân,
Lấy chồng An Thái cho gần đường đi.

 22 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Muốn về Hòa Đại, Hiệp Luông...

Muốn về Hòa Đại, Hiệp Luông,
Sợ khe nước nóng, sợ truông Ba Gò.

 22 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Năm chục quan tiền...

Năm chục quan tiền
Xây vòng trái bưởi
Con heo bỏ cũi khiêng đi
Tấm lụa An Thái em bận cho mát
Lụa Kiểng Hàng em bận lót mồ hôi
Nón Phú Trung anh chạy đồi mồi
Gấm Nước Mặn chạy bông hoa cúc
Tiền thời cho chẵn một trăm
Bạc thời năm nén, vàng ròng mười đôi.
Lụa năm bảy gọn anh ơi!
Nhiễu thêm gọn nữa thì tôi mới về.

 22 người thích  Thích

Ca dao Việt Nam - Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn...

Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn,
Tình chung đất nước, không sờn nắng mưa.

 91 người thích  Thích

Trang 1 trên 212»

Chú thích

(*) An Lão: Huyện An Lão thuộc vùng trung du tỉnh Bình Định, về mặt địa hình có đồi núi cao, có sông An Lão chảy qua, rừng An Lão có trữ lượng gỗ cao, nơi trồng nhiều hồ tiêu.

(*) An Ngãi: Làng An Ngãi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xưa có nghề dệt lụa.

(*) An Nhơn: Thị xã nằm phía đông tỉnh Bình Định, là vùng đồng bằng do phù sa của các sông Đập Đá, Tây An, Gò Chàm, An Trường... bồi đắp.

(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.

(*) An Thái: Làng thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ở gần chợ Ân.

(*) An Vinh: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cùng với làng An thái dùng chung dòng nước sông Côn, trai giỏi võ nghệ, gái xinh đẹp đảm đang, được phản ánh qua câu thành ngữ: Trai An Thái, gái An Vinh.

(*) Ba Gò: Truông Ba Gò nằm ở phía Bắc thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.

(*) Phương Mai: Bán đảo nhỏ nằm phía đông Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Nơi đây hội tụ nhiều danh lam thắng đẹp, với địa hình là một vùng núi thấp có nhiều ngọn nhấp nhô, trông xa xa như đầu một con rồng. Tận cùng phía nam của bán đảo là một lưỡi nhọn có hình dạng mũi mác với nhiều hốc đá hiểm trở cũng là nơi chim Yến thường kéo về làm tổ, sinh sôi và nảy nở.

(*) Trường Thi: Bến đò gần Trường Thi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, xưa kia là nơi đưa đón các sĩ tử và khách qua lại.

(*) Bình Định: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm năm trước từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.

(*) Bồ Địch: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.

(*) Cầu Đôi: Gồm cầu xe lửa và cầu ô tô được xây dựng song song nằm ở cửa ngõ dẫn vào thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

(*) Cây Dừa: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nơi đồng điền rộng, con gái ở đây quanh năm tất bật chăm bón ruộng đồng.

(*) Chàng Lía: Chàng Lía là một anh hùng dân gian xuất thân từ kẻ cùng đinh, vùng dậy đem tài năng võ nghệ siêu quần của mình tập hợp lâu la lấy của nhà giàu chia cho người nghèo. Thanh thế chàng Lía vang động cả dải Nam Trung bộ hồi đầu thế kỷ 18, được xem là cánh én trên vòm trời chế độ phong kiến suy vi, báo hiệu cho mùa xuân phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn sau này. Hành trạng của chàng Lía đã phổ biến sâu rộng ở Đàng Trong thời điểm ấy và kéo dài qua nhiều thế hệ qua lối nói thơ, hát kể.

(*) An Hành: Chợ An Hành thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(*) Chợ Ân: Chợ thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có đặc sản bánh đúc ngon.

(*) Chùa Bà: Ngôi chùa thuộc làng An Thái, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

(*) Ông Đá: Còn gọi là chùa Nhạn Sơn, thuộc thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn 23km về phía Tây Bắc. Dân địa phương thường hay gọi là chùa ông Đỏ ông Đen, vì trong chùa có hai pho tượng đá lớn, một sơn đen, một sơn đỏ, là tác phẩm điêu khắc Chăm thế kỷ XIII.

(*) Thập Tháp: Chùa Thập Tháp Di Đà là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung, do Thiền sư Nguyên Thiều lập vào thế kỷ 17. Chùa tọa lạc ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1683, chùa đã dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ dựng lên ngôi chùa. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

(*) Cân: Đảo Hòn Cân thuộc vùng biển Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

(*) Cỏ: Đảo Hòn Cỏ thuộc vùng biển Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

(*) Đập Đá: Phường Đập Đá thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nằm bên bờ sông Đập Đá (một nhánh của sông Kôn). Cái tên bắt nguồn do xưa kia đây là vùng sông nước với sông Kôn, sông Đập Đá và nhiều nhánh chằng chịt. Cư dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức Đập Đá vì chỗ này sông rộng, có bến đá ong nổi tự nhiên rất đẹp.

(*) An Khê: Con đèo núi dài và nguy hiểm nhất trên tuyến quốc lộ 19, nằm trên vùng ranh giới huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Xưa là vùng Tây Sơn thượng đạo, nơi Nguyễn Huệ dấy binh khởi nghĩa phù Lê diệt Trịnh.

(*) Định Quang: Địa danh nay là một thôn thuộc xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.

(*) Giếng Vuông: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.

(*) Hiệp Luông: Địa danh thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(*) Hòa Đại: Làng nay thuộc xã Cát Hiệu, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(*) Hòn Sung: Còn gọi là Trưng Sơn, một hòn núi thấp thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi phát tích của anh hùng Mai Xuân Thưởng và anh em nhà Tây Sơn.

(*) Hội Đổ giàn: Chùa Bà có hội Đổ giàn được tổ chức vào ngày lễ Vu Lan, mang ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định. Giàn là một cái đài cao bằng tre, trên để các lễ vật như dê, gà, lợn quay. Cuối ngày hội thường có hát bội và tục "tranh heo", người chủ bái từ trên giàn cao, sau khi xướng xong, tung heo quay xuống đất. Các võ sĩ chờ sẵn phía dưới, tung mình đón bắt con heo rồi vượt đám đông chạy ra ngoài. Giành được heo xem như là một vinh dự lớn cho làng giành được.

(*) Hưng Long: Làng Hưng Long thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều xoài ngon.

(*) Kiểng Hàng: Làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi có nghề dệt lụa.

(*) Khánh Hòa: Một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... Với khí hậu ôn hòa, thiên nhiên nhiều cảnh đẹp, và có nhiều di tích lịch sử văn hóa, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

(*) Núi Bà, Bình Định: Thuộc địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(*) Núi Bụt: Tên một ngọn núi thuộc địa phận xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

(*) Hòn Bình: Một ngọn núi ở đèo An Khê nhìn về phía Đông, được gọi là núi ông Bình (chỉ Nguyễn Huệ, cách gọi khác đi để che mắt nhà Nguyễn). Đứng trên ngọn núi cao này, nghĩa quân có thể quan sát đến tận vùng hạ đạo, bờ biển Quy Nhơn.

(*) Hòn Dinh: Hòn Tổng Dinh thuộc tỉnh Bình Định có thế rất hiểm, rất hùng, là mật khu của nghĩa quân Cần Vương.

(*) Hòn Ông, hòn Bà: Núi Hòn Ông đứng giữa dãy núi Nam Sơn, chung quanh núi non la liệt, khói quyện mây tuôn, cảnh trí tuyệt đẹp. xung quanh có nhiều núi cao và có danh như hòn Bà Cương, tục gọi là Hòn Bà.

(*) Kiền Kiền: Một hòn núi thuộc tỉnh Bình Định. Hòn Kiền không cao lắm nhưng rậm rạp. Trên núi mọc toàn gỗ kiền kiền, là một thứ danh mộc quý giá.

(*) Núi Kim Sơn: Núi Kim Sơn thuộc thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

(*) Núi Mò O: Núi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

(*) Nước Mặn: Thị trấn Nước Mặn thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, xưa chuyên dệt vải giả gấm rất đẹp.

(*) Nguyễn Huệ: Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương hoặc Tây Sơn Thái Tổ, tên thật là Nguyễn Huệ, sau đổi tên là Nguyễn Quang Bình, là vị hoàng đế thứ hai của Nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Quang Trung không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

(*) Phú Đa: Làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

(*) Phú Đa: Làng thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

(*) Phù Mỹ: Một huyện thuộc tỉnh Bình Định, nguyên là đất huyện Phù Ly cũ, năm 1983 chia làm hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát.

(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.

(*) Phú Trung: Xã Phú Trung thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi có nghề làm nón.

(*) Phú Yên: Một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, có đồng bằng Tuy Hòa, được xem là vựa lúa của miền Trung.

(*) Phương Danh: Một ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

(*) Quảng Nam: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam.

(*) Sông Côn: Còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone, dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn và đầm Thị Nại.

(*) Đập Đá: Sông Đập Đá, một nhánh của sông Kôn, chảy qua địa phận Bình Định.

(*) Lại Giang: Sông Lại Giang là sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp nhất của hai dòng sông là An Lão và Kim Sơn. Sông Lại Giang chảy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc và đổ ra biển Đông qua cửa An Dũ.

(*) Tam Quan: Một thị trấn thuộc huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Thị trấn nằm ở phía Bắc Hoài Nhơn, là trung tâm kinh tế, văn hoá phía Bắc Hoài Nhơn. Tam Quan đặc trưng với rừng dừa bạt ngàn, với các đặc sản như mè xửng, bánh trán nước dừa, bún...

(*) Tăng tổng trấn: Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, là chí sĩ Việt Nam tham gia chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi Kim Sơn (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) quê hương ông, là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở.

(*) Tháp Đôi: Tọa lạc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp Đôi là công trình kiến trúc cổ Chămpa được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa, gồm một tháp lớn và một tháp nhỏ đứng cạnh nhau, được xây dựng từ thế kỷ thứ 8.

(*) Truông Dài: Địa danh nay thuộc địa phận xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

(*) Vĩnh Thạch: Một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định.

Trang chủ | Giới thiệu | Chính sách riêng tư | Điều khoản sử dụng | Liên hệ | Sơ đồ trang | DMCA.com Protection Status

© 2011-2019 TuDienDanhNgon.vn
Xin ghi rõ nguồn khi phát hành lại thông tin.